Aus4Innovation dành 1,5 triệu đô la Úc nhân rộng ý tưởng sáng tạo

Tháng Tư 19th, 2021

Hợp phần Đối tác Đổi mới sáng tạo thuộc chương trình Aus4Innovation được Australia tài trợ cho Việt Nam, mỗi dự án có thể nhận được 100 nghìn – 1 triệu đô la Úc.

Ông Tom Wood – Giám đốc chương trình Aus4Innovation cho biết, với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số”, vòng 3 của chương trình tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo đang thu hút các dự án, đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số tương lai của Việt Nam.

– Tại sao vấn đề đổi mới sáng tạo lại được Australia chọn làm trọng điểm để hỗ trợ Việt Nam, thưa ông?

– Mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Australia đã phát triển vượt bậc từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, và nâng thành Đối tác Chiến lược vào năm 2017. Ngày 15/3/2018, tuyên bố chung về việc thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước đã được ký kết.

Khẳng định mối quan hệ song phương đa dạng, hai bên đã nhất trí Kế hoạch Hành động cho Quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020-2023. Ba lĩnh vực ưu tiên tập trung gồm tăng cường gắn kết kinh tế, hợp tác chiến lược quốc phòng, an ninh, xây dựng quan hệ đối tác về tri thức và đổi mới sáng tạo.

Do đó, đổi mới sáng tạo được nêu rõ là vấn đề ưu tiên của Chính phủ Australia và Việt Nam, là phương tiện để thắt chặt liên kết kinh tế và thương mại hai bên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm tại Việt Nam.

Khát vọng chung về trở thành các quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo được thể hiện trong bản ghi nhớ Quan hệ Đối tác Đổi mới Sáng tạo Australia-Việt Nam do Đại sứ Australia tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Aus4Innovation là chương trình phát triển chủ chốt trong lĩnh vực này.

– Thưa ông, trong chương trình Aus4Innovation đã thực hiện hai vòng tài trợ. Tại sao ở vòng 3 này Chính phủ Australia quyết định dành kinh phí lớn hơn?

– Chương trình tài trợ vòng 3 (Hợp phần Đối tác Đổi mới sáng tạo) là một hoạt động quan trọng trong cả chương trình Aus4Innovation và đã được triển khai vòng 1 năm 2019 và vòng 2 năm 2020. Mục tiêu là tìm ra các ý tưởng sáng tạo đã được thử nghiệm và sẵn sàng nhân rộng, được đồng đề xuất bởi một đối tác Việt Nam và một đối tác Australia. Tổng ngân sách tài trợ cho vòng 3 này là 1,5 triệu đô la Úc, mỗi dự án có thể nhận được từ 100 nghìn đến 1 triệu đô la Úc.

Có thể thấy, năm 2020 đầy thách thức khiến nhiều phương thức truyền thống hỗ trợ hoạt động kinh tế gần như bế tắc, các quốc gia cũng áp đặt hạn chế chặt chẽ trong việc di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, các dự án nhận tài trợ vòng 1 và 2 của chúng tôi vẫn tiếp tục được triển khai. Số hóa là yếu tố thiết yếu của chương trình để giảm thiểu gián đoạn do dịch bệnh gây ra và thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Khi xem xét các hoạt động cho năm 2021, chúng tôi nhận thấy việc kéo dài chương trình tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo và đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam là tất yếu. Chuyển đổi số vẫn luôn là ưu tiên của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngay cả trước COVID-19. Đại dịch này đã giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cả về tốc độ và quy mô.

Vào tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số hóa. Các hoạt động quản lý hành chính công, vận hành doanh nghiệp và đời sống của người dân sẽ được chuyển đổi số trong một môi trường số hóa đảm bảo an ninh.

Trong bối cảnh đó, vòng thứ ba của chương trình tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo là một hoạt động hỗ trợ các nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng đến chuyển đổi số, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Số tiền tài trợ của chúng tôi nhắm đến những sáng kiến chuyển đổi số có tiềm năng mang lại tác động xã hội diện rộng.

 

Dự án hải sâm được nuôi trồng bằng phương pháp hormone do Đại học Sunshine Coast và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Nha Trang) thực hiện. Dự án nhận tài trợ trong vòng 2

 Với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số”, những dự án như thế nào sẽ nhận được tài trợ, thưa ông?

– Ở vòng này, lần đầu tiên chúng tôi đưa ra một chủ đề cụ thể. Chúng tôi mong đợi những sáng kiến nhằm cung cấp các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, giải pháp sáng tạo dựa trên công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, Deep tech và các công nghệ trên nền tảng điện toán đám mây.

Các giải pháp đưa ra bởi các dự án cần nâng cao hiệu suất, sự nhanh nhạy và năng suất của một lĩnh vực, ngành hàng cụ thể hoặc trong toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù không có hạn chế trong các lĩnh vực tham gia, nhưng các lĩnh vực ưu tiên bao gồm sản xuất, nông nghiệp, thành phố thông minh, y tế, giáo dục, tài chính và ngân hàng, chính phủ điện tử, tài nguyên môi trường.

– Các khoản tài trợ từ Aus4Innovation hai vòng trước thực hiện như thế nào, thưa ông?

– Có tám dự án nổi bật nhất đã được chọn ra trong các vòng trước từ gần 190 dự án, nhận được tổng ngân sách tài trợ khoảng 3,6 triệu đô la Australia. Những dự án vòng đầu tiên đã gần hoàn thành các hoạt động, các dự án vòng hai đã đi một nửa chặng đường.

Các dự án đã và đang áp dụng công nghệ và kinh nghiệm từ Australia, kết hợp với bối cảnh và nhu cầu địa phương để hiện thực hóa ý tưởng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu.

Một trong số đó là việc đưa vào giới thiệu tại Việt Nam mô hình “Rapido” nhằm chuyển giao các công nghệ do các trường đại học phát triển, thí điểm với mô hình cung cấp các giải pháp quan trắc nước biển phục vụ nông dân nuôi tôm ở Phú Yên; mô hình giải pháp lọc nước tại Đồng bằng sông Hồng và các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung.

Sản xuất 20.000 con giống hải sâm vú (một loài hải sâm có giá trị kinh tế cao), thông qua kích thích sinh sản bằng một loại hormone của Australia. Hải sâm là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, sản xuất hải sâm cũng bổ trợ cho nuôi trồng các loại thủy sản khác và giảm áp lực đối với trữ lượng hải sâm trong tự nhiên.

Nhiều dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật đào tạo tập huấn mới để cải thiện độ chính xác trong tầm soát ung thư vú đã được triển khai.

Các dự án vòng 2 đang triển khai thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường và quản lý lũ lụt.

Ứng dụng của mô hình chuyển giao công nghệ Rapido đưa công nghệ lọc arsen trong nước của Đại học Công nghệ Sydney vào lắp đặt thử nghiệm tại một số hộ dân và trường học ở Hà Nam.

– Chương trình Aus4Innovation được thiết kế như thế nào để tạo ra tác động lâu bền đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam?

– Aus4Innovation là chương trình hợp tác kéo dài 4 năm (2018-2022) giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, hai bên đã tìm tòi các lĩnh vực mới trong công nghệ và chuyển đổi số, thử nghiệm nhiều mô hình hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu trong khu vực công và tư nhân, đồng thời nâng cao năng lực của Việt Nam về hoạch định tầm nhìn tương lai số, thương mại hóa khoa học và chính sách đổi mới sáng tạo. Một loạt hoạt động hỗ trợ diễn ra thường xuyên, với cách tiếp cận linh hoạt để đảm bảo mang lại tác động lâu dài nhất ở cấp hệ thống.

Ban đầu chương trình thử nghiệm trên tất cả các lĩnh vực, sau đó dần thu hẹp trọng tâm trong giai đoạn đầu vào hai lĩnh vực: kinh tế số tương lai, sản xuất nông nghiệp và thực phẩm có khả năng thích nghi cao. Nửa đầu của chương trình đã đạt được những bước tiến quan trọng, xây dựng các mối quan hệ và thử nghiệm các mô hình hợp tác để mở rộng quy mô.

Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ và DFAT đã nhất trí lập kế hoạch cho giai đoạn thứ hai của chương trình (đến năm 2025) và dành ngân sách cho các sáng kiến chuyển tiếp trong giai đoạn 2021- 2022 để đáp ứng các ưu tiên phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Trí tuệ nhân tạo phục vụ nền kinh tế số trong tương lai là chủ đề đầu tiên được hỗ trợ.

– Mục đích của chương trình tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo là gì và làm thế nào để các khoản tài trợ này có thể thúc đẩy các sáng kiến ĐMST ở Việt Nam?

– Chương trình tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo là một hợp phần quan trọng trong chương trình Aus4Innovation. Mục đích của hợp phần là cung cấp nguồn vốn tài trợ để nhân rộng các dự án sáng tạo đã được thử nghiệm thành công, từ đó giải quyết những thách thức hoặc tận dụng cơ hội ở bất kỳ lĩnh vực nào trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Kinh nghiệm trong các chương trình hỗ trợ phát triển khởi nghiệp trước đây cho thấy, những sáng kiến xuất sắc có tiềm năng tác động kinh tế – xã hội, dù được thử nghiệm về tính khả thi vẫn khó được nhân rộng do không thể tiếp cận được nguồn vốn. Ngân sách công cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn khiêm tốn trong khi các quỹ tư nhân và nhà đầu tư chưa mặn mà với các sáng kiến phục vụ lợi ích công cộng khó thương mại hóa. Chương trình tài trợ này giúp thu hẹp khoảng cách đó, hiện thực hóa và nhân rộng các ý tưởng sáng tạo có tiềm năng.

Chương trình Aus4Innovation đang kêu gọi đơn vị, tổ chức tham gia trong vòng 3 của Chương trình tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo với chủ đề “Tăng cường Chuyển đổi số”. Đơn đăng ký được mở từ nay đến ngày 4/4. Các dự án sẽ được xét duyệt dựa trên tiêu chí: quan hệ đối tác, đổi mới sáng tạo, mức độ sẵn sàng, tiềm năng tác động đến xã hội và quá trình chuyển đổi số Việt Nam, khả năng thích ứng bối cảnh Covid-19.

Số tiền tài trợ từ 100 nghìn đến 1 triệu đô la Úc được trao trên cơ sở chấm điểm cạnh tranh. Dự án nhận tài trợ sẽ có tối đa 12 tháng để thực hiện hoạt động đề xuất.