Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về công nghệ MEMS và hệ thống cảm biến năm 2020

Tháng mười một 18th, 2020

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực đô thị lớn nhất Việt Nam, lũ lụt ảnh hưởng nặng nề đến hơn 60% dân số thành phố và gây thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm. Với sự tài trợ từ chương trình #Aus4Innovation, các nhà nghiên cứu từ Đại học Griffith và Phòng thí nghiệm của Khu Công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) đang phát triển một mạng lưới cảm biến cảnh báo lũ lụt mang tính sáng tạo và tốn ít năng lượng cho Thành phố Hồ Chí Minh. Mạng lưới này được phát triển dựa trên công nghệ cảm biến silicon cacbua tiên tiến của Đại học Griffith.
Hàng trăm cảm biến sẽ hoạt động giống như hệ thống thần kinh của thành phố, cung cấp thông tin lũ lụt theo thời gian thực và cảnh báo sớm cho người dân thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Hệ thống sẽ giúp cải thiện sự an toàn của người dân địa phương cũng như giúp thành phố quản lý và kiểm soát giao thông, giảm thiệt hại về người và kinh tế. Mạng cảm biến này là bước đầu tiên hướng tới một hệ thống ứng phó tự động sẽ ngăn chặn lũ lụt cục bộ trong thành phố bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng thoát nước để thu, chuyển hướng hoặc bơm nước mưa.
Hôm nay, tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 về MEMS (Hệ thống vi cơ điện tử) và Hệ thống cảm biến 2020, dự án đã được trình bày như một minh chứng thực tế việc ứng dụng công nghệ MEMS. Phát biểu tại hội thảo, Tổng lãnh sự Australia, bà Julianne Cowley khẳng định: “Australia tự hào hỗ trợ phát triển các giải pháp công nghệ thiết thực giúp nâng cao khả năng ứng phó với vấn đề ngập lụt đô thị ở Việt Nam. Khi hệ thống được triển khai tại TP.HCM, các cuộc thảo luận về các cơ hội thương mại hóa đang được tiến hành để công nghệ này cũng có thể được áp dụng ở các thành phố khác của Việt Nam ”.