Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Cà Mau

Tháng Bảy 16th, 2024

Nằm ở cực Nam của Việt Nam, Cà Mau là điểm sáng trong ngành thủy sản cả nước, nổi tiếng với nghề nuôi tôm và cua. Tuần trước, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã thể hiện cam kết với chiến lược phát triển bền vững và tư duy đổi mới sáng tạo thông qua hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản và giải pháp công nghệ đối với ngành tôm, cua”. Với sự tài trợ của Chương trình Aus4Innovation, hội thảo đã quy tụ hơn 100 đại biểu đại diện cho Cơ quan khoa học quốc gia Australia (CSIRO), các cơ quan quản lý của tỉnh và các học giả địa phương. Việc chia sẻ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp Australia đã mang tới các thông tin hữu ích, giúp các đại biểu thảo luận biện pháp đối phó với những thách thức mang tính đặc thù của ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau.

Đây là hoạt động nằm trong dự án “Khung Đánh giá Chính sách Đổi mới sáng tạo” do CSIRO/Data61 hợp tác cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện, với sự tài trợ của Chương trình Aus4Innovation, nhằm mục đích hỗ trợ hoàn thiện hệ thống chính sách, sử dụng ngành tôm Cà Mau như một trường hợp điển hình.

Chúng tôi rất vui mừng khi có thể đóng góp vào việc củng cố mối liên kết bền chặt hơn giữa các nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp để nâng ngành nuôi trồng thủy sản của Cà Mau lên một tầm cao mới!

Năm ngoái, sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 386.000 tấn, trong đó có 218.000 tấn tôm. Giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD/năm, chiếm 12% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở KHCN, Sở NN&PTNT các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, các viện nghiên cứu và trường đại học, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau.

TS. Phạm Thu Hiền đến từ CSIRO chia sẻ về những thách thức đối với ngành tôm Việt Nam, bao gồm thách thức về môi trường, thị trường cũng như những yêu cầu về kĩ thuật và trách nhiệm xã hội của các nước nhập khẩu, cùng các giải pháp đổi mới sáng tạo có thể áp dụng cho Việt Nam.